Những giải đấu cầu lông chuyên nghiệp nổi tiếng trên thế giới

Cầu lông đã trở thành một trong những bộ môn thể thao được yêu thích và có rất nhiều giải đấu nổi tiếng trên thế giới liên quan đến Cầu Lông.

19/11/2019 - 10:27

Đa phần các giải đấu vô địch thế giới diễn ra theo lối đấu cá nhân hoặc đồng đội và tùy thuộc mục đích, mỗi giải sẽ có thêm phân loại : tích điểm hay không tích điểm.

Chúng ta hãy cùng điểm qua một số giải đấu chuyên nghiệp lớn nhé !

Hệ thống giải đấu Grand Prix và Grand Prix Gold

Là một loạt hệ thống các giải được tổ chức ở hầu hết quốc gia trên khắp năm châu, quy tụ rất nhiều cây vợt xuất sắc, đã có thành tích nhất định trên bảng xếp hạng của Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF). Được tổ chức thường niên từ năm 2007, bao gồm các nội dung thi đấu đơn và đôi, dành cho những cây vợt chuyên nghiệp, đã là thành viên của Hiệp hội cầu lông trực thuộc BWF.

giải đấu cầu lông chuyên nghiệp

Để được xét vào vòng đấu loại, mỗi vận động viên bắt buộc phải tham gia ít nhất hai nội dung thi đấu (ví dụ đơn nam và đôi nam), và căn cứ vào số điểm tích lũy nhận được sau mỗi trận cầu, bao gồm điểm cộng và trừ. Số điểm tích lũy sau mỗi giải đấu không chỉ nhằm mục đích chọn ra người chiến thắng, mà còn giúp định vị thành tích tay vợt. Vận động viên (VĐV)/cặp VĐV được gọi là hạt giống số bao nhiêu của giải đấu căn cứ vào bảng xếp hạng (BXH) thế giới. Thứ hạng trên BXH được chiếu theo kết quả thi đấu của các giải khác nhau do Liên đoàn cầu lông thế giới tổ chức trong vòng 52 tuần lễ (trừ các giải trẻ và giải tự tổ chức bởi các nhãn hàng).

Thể thức thi đấu xoay quanh 5 nội dung chính :

Đơn nam Đơn nữ

Đôi nam Đôi nữ

Đôi nam/ nữ

Hệ thống giải đấu Super Series

Mùa giải “Siêu cấp” này ra mắt vào ngày 14 tháng 12 năm 2006 và được tổ chức thi đấu vào năm 2007. Được hiệp hội cầu lông thế giới công nhận đây là một giải thi đấu chính thức, và chia ra hai cấp độ phân loại, Super Series Premier và Super Series.

giải đấu cầu lông chuyên nghiệp

Super Series là một hệ thống các giải đấu, bao gồm 12 giải đấu tổ chức tại 12 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có 5 giải Super Series Premier. Quy tụ 32 tay vợt hàng đầu thế giới, giải thưởng cho người chiến thắng là số tiền trên 200.000 USD cho mỗi giải. Mỗi giải đấu được tổ chức hàng tháng từ tháng 1 đến tháng 12 và mỗi tháng luân phiên 1 quốc gia chủ nhà.

Mùa giải Super Series được tổ chức thường niên hằng năm, và Top 8 người chơi / cặp trong mỗi thể thức thi đấu trong bảng xếp hạng Super Series sẽ được mời đến giải Super Series Finals — giải đấu chung kết diễn ra vào cuối năm, nhằm tìm ra nhà vô địch của toàn giải.

Thể thức thi đấu

Trung bình mỗi giải đấu Super Series diễn ra trong 6 ngày, với 5 ngày thi đấu vòng chung kết. Sau 4 vòng loại bắt buộc, 32 VĐV/ cặp VĐV sẽ được chọn để thi đấu vòng chung kết. Từ tháng 9/2008 mỗi giải đấu chỉ còn 16 VĐV/ cặp VĐV tham gia thay vì 32 như trước đây để tránh căng thẳng và áp lực phải thi đấu liên tục cho các VĐV giành phần thắng. Nội dung thi đấu cũng tương tự như Grand Prix, với :

Đơn nam Đơn nữ

Đôi nam Đôi nữ

Đôi nam/ nữ

BFW World Championships

Giải vô địch cầu lông thế giới là một giải đấu đẳng cấp nhất trong số các giải cầu lông chuyên nghiệp. Đa số các vận động viên tham gia giải đấu này trước hết với mong muốn gặp gỡ các đối thủ mạnh để có thêm kinh nghiệm, mục đích kế tiếp là tích lũy điểm thưởng để tăng hạng.

giải đấu cầu lông chuyên nghiệp

Từ lúc hình thành vào năm 1977, giải được tổ chức 3 năm một lần, sau giảm xuống còn 2 năm một lần và rơi vào các năm lẻ. Chiếc huy chương vàng danh dự sẽ được trao cho người xuất sắc nhất vượt qua các đối thủ nặng kí khác. Tuy danh giá là thế, nhưng giải đấu này không đi kèm bất kì phần tiền thưởng nào. Để thuận tiện và không làm ảnh hưởng đến lịch trình của các tay vợt, giải đấu sẽ không diễn ra vào thời điểm trùng với thời gian tổ chức Thế vận hội mùa hè.

Đây là một giải cá nhân và chia làm 5 nội dung thi đấu chính :

Đơn nam Đơn nữ

Đôi nam Đôi nữ

Đôi nam/ nữ

Thế vận hội mùa hè

Sân chơi này có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn, vượt qua hết thảy các giải đấu khác, không chỉ là nơi các vận động viên cọ xát mà còn giúp họ mang về tấm huy chương cho quốc gia của mình. Đưa vào danh sách thi đấu chính thức vào năm 1992, Thế vận hội mùa hè có sự tham gia của 62 quốc gia và được tổ chức tại quốc gia chủ nhà bất kì. Mang tính giao hữu là chính, giải đấu này không có điểm thưởng lẫn tiền thưởng dành cho các tay vợt tham gia. Thế nhưng, được tham dự Thế vận hội lại là một niềm tự hào to lớn cho vận động viên, giúp ghi dấu ấn vào sự nghiệp thi đấu của họ.

 “Những giải đấu nhóm” Cúp Sudirman

giải đấu cầu lông chuyên nghiệp

Cúp Sudirman là một trong số các giải đấu chuyên biệt về thi đấu đồng đội. Trong khuôn khổ sân chơi đầy kịch tính và hấp dẫn, các đội tham dự bao gồm những tay vợt hạt giống thế giới, và số thành viên tham dự có thể lên đến con số 30 cho 1 đội. Dựa vào thành tích trên bảng xếp hạng thế giới, các quốc gia có cùng thực lực sẽ được tuyển chọn và xếp vào cùng nhóm. Các nhóm được chia theo thứ tự tăng dần, nhóm 1 là nhóm mạnh nhất, sau đó mỗi nhóm lại được chia ra 2 nhóm nhỏ nữa: 1A, 1B, 2A, 2B …. cứ thế cho đến 6B. Và tất nhiên, chỉ 12 đội được xếp vào nhóm 1 mới đủ điều kiện tham gia tranh chức vô địch, còn các bảng khác sẽ đấu với nhau theo thứ tự : các nhóm nhỏ sẽ bắt đầu đấu vòng tròn, sau đó đấu chéo để tìm ra đội vô địch bảng, và tiếp diễn đến cuối để tìm ra thứ tự xếp hạng mới cho những quốc gia tham dự.

Trong mỗi lượt gặp nhau, các đội sẽ phải trải qua 5 nội dung thi đấu bao gồm : đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ. Để phân thắng thua, đội nào giành nhiều phần thắng hơn sẽ là người chiến thắng.

Đến với giải đấu này, các tay vợt đều hừng hực ý chí chiến đấu để mang về vinh quang cho quốc gia mà họ đại diện. Được đặt tên theo tên của nhà sáng lập liên đoàn cầu lông Indonesia — Dick Sudirman, giải đấu đã khai mạc lần đầu tiên tại sân vận động Bung Karno ở thủ đô Jakarta, Indonesia vào năm 1989. Giải đấu được tổ chức hai năm một lần và rơi vào những năm lẻ.

Thomas Cup 

giải đấu cầu lông chuyên nghiệp

 

Với đặc thù là giải đấu đồng đội hỗn hợp dành riêng cho nam, cúp Thomas là giải Vô địch Cầu lông đồng đội nam thế giới đầu tiên được tổ chức, và do Công tước Thomas — Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Cầu lông — hiến tặng vào năm 1939. Trước đây, giải đấu được quy định 3 năm tổ chức 1 lần, hiện nay đổi lại tổ chức mỗi chu kỳ 2 năm 1 lần, với nội dung thi đấu gồm 3 trận đánh đơn và 2 trận đánh đôi.

 Kết luận: Trên đây là những giải thi đấu cầu lông chuyên nghiệp của thế giới. Trải qua nhiều thập kỷ, các giải đấu đã có nhiều thay đổi về luật thi đấu, nhằm giảm bớt áp lực cho các vận động viên cũng như mang lại những sân chơi công bằng hơn. Những bước chuyển mình này đánh dấu vào sự thành công của cầu lông, giúp xây dựng danh tiếng của bộ môn có lịch sử lâu đời này vươn xa hơn.