Malaysia bổ sung HLV - quyết tâm cho VCK Thomas Cup và Olympic 2021

Hiệp hội cầu lông Malaysia (BAM) vừa quyết định bổ sung HLV Chan Chong Ming (Malaysia) và Flandi Limpele (Indonesia) vào lực lượng HLV đội tuyển quốc gia nhằm chuẩn bị cho vòng chung kết Thomas Cup diễn ra vào tháng 10 tới và xa hơn là Olympic 2021

09/07/2020 - 15:47 - Mỹ Hạnh

Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) đã quyết định tiếp tục hủy các giải đấu trong tháng 7, cho nên giải đấu đầu tiên sau đại dịch COVID-19 có thể là vòng chung kết giải đồng đội Thomas Cup (đồng đội nam) và Uber Cup (đồng đội nữ). Do đó, các đội tuyển đã bắt đầu có sự chuẩn bị trong tập luyện. Cầu lông Malaysia cho thấy sự quyết tâm khi xây dựng lực lượng HLV hùng hậu. HLV Indra Widjaja được đề bạc giữ vị trí HLV trưởng nội dung đơn thay cho HLV Datuk Seu Bock. HLV Chan Chong Ming phụ trách nội dung đôi nữ và HLV Flandi Limpele sẽ phụ trách nội dung đôi nam; đôi nam nữ được giao cho HLV Hendina.

Theo Chủ tịch BAM Datuk Seri Norza Zakaria, sự thay đổi này nhằm trẻ hóa Ban Huấn luyện. Ðồng thời thúc đẩy tinh thần tập luyện của các tay vợt bởi 2 HLV mới được bổ nhiệm từng là những tay vợt thi đấu rất thành công. Chong Ming giành HCÐ thế giới vào năm 2001 và 2005 ở nội dung đơn, giành ngôi vô địch Malaysia Open 2006 nội dung đôi cùng với tay vợt Chew Choon Eng. Còn Flandi cũng có HCÐ Thế vận hội Athens 2004…

 

Kisona Selvaduray gây bất ngờ khi vô địch Sea Games 30.

Các nhà chuyên môn đánh giá đây là một quyết định đúng đắn của BAM trong bối cảnh “hậu Lee Chong Wei”. Có thể nói, suốt thập kỷ qua, “Huyền thoại” Lee Chong Wei đã gánh vác trách nhiệm mang về thành tích cho cầu lông Malaysia. Khi anh giải nghệ, cầu lông Malaysia trở nên hụt hẫng vì thiếu người kế thừa. Giai đoạn này, các trận chung kết Super quan trọng hiếm có sự xuất hiện của các tay vợt Malaysia ở tất cả các nội dung. Trong Top 10 của BWF hiện nay, chỉ có 3 nội dung đơn nam, đôi nam và đôi nam nữ có tên các tay vợt Malaysia, nhưng đều ở vị trí thấp: Lee Zii Jia (hạng 10), Aaron Chia và Soh Wooi Yik (hạng 9), Chan Peng Soon và Goh Liu Ying (hạng 7).

Mãi đến Sea Games 30, cầu lông Malaysia thực sự gây chú ý khi đoạt đến 3/5 HCV ở các nội dung đơn nam, đơn nữ và đôi nam. Những cái tên đem lại hy vọng cho cầu lông Malaysia trong tương lai, có thể kể đến 2 tay vợt đánh đơn vô địch Sea Games 30 là Lee Zii Jia (22 tuổi) và Kisona Selvaduray (21 tuổi). Tuy nhiên, để Kisona có thể tham gia thi đấu Olympic là điều không dễ bởi thứ hạng hiện nay của cô là 93. Trong khi đó, tay vợt đơn nữ Malaysia có thứ hạng cao nhất tại bảng xếp hạng BWF là Soniia Cheah (29) lại thi đấu không ổn định và thiếu khởi sắc, khó có thể tạo đột biến tại Olympic khi đã 28 tuổi.

Khi các trận chung kết cầu lông hầu hết xoay quanh các gương mặt đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ðài Loan, Indonesia, Thái Lan… người hâm mộ hy vọng sự thay đổi của BAM sẽ giúp các tay vợt của đất nước giàu truyền thống môn thể thao này có mặt ở các trận chung kết cấp độ Super trong thời gian tới.