Hendra Setiawan mong được cầm trên tay tấm huy chương vàng Olympic một lần nữa
Mặc dù không có gì đảm bảo rằng vinh quang sẽ một lần nữa được tái hiện ở Thế vận hội Tokyo, nhưng Hendra đã thể hiện quyết tâm theo cách của riêng mình:“Không bao giờ là quá muộn để chinh phục một chức vô địch!
Những tay vợt đánh đôi Indonesia có thứ hạng cao trong làng cầu lông thế giới qua các thế hệ như Tony Gunawan/Candra Wijaya hay Kevin Sanjaya Sukamuljo/Marcus Fernaldi Gideon, những cặp đôi đã có trong tay rất nhiều chức vô địch và đều là những sự kết hợp tuyệt vời. Tuy nhiên, trong số những cặp đôi nam Indonesia có thành tích cao và một bề dày lịch sử trong môn cầu lông không thể không nhắc đến Hendra Setiawan, người được mệnh danh là“Ảo thuật gia”.
Hendra Setiawan bắt đầu chơi cầu lông từ năm 7 tuổi, là linh hồn không thể thiếu ở nội dung đôi nam của đội tuyển cầu lông quốc gia Indonesia, bắt đầu đánh cặp với Markis Kido từ năm 18 tuổi và dần nổi lên trên đấu trường quốc tế. Năm 2005, Hendra Setiawan và Markis Kido lần lượt giành chức vô địch nội dung đôi nam Asia Championships và Indonesia Open và họ bắt đầu có những sự bứt phá lớn trong sự nghiệp thi đấu của mình.
Ở Thomas Cup 2006, Hendra Setiawan và Markis Kido lần đầu tiên được chọn vào đội hình đội tuyển Indonesia thi đấu nội dung đôi nam và họ giành được vị trí thứ 3 chung cuộc. Tại Đại hội thể thao châu Á - Asiad 15 tổ chức tại Doha cùng năm đó họ đã giành được huy chương đồng ở nội dung đôi nam.
Tại giải BWF World Championships 2007, Hendra và Markis đã giành chức vô địch sau khi đánh bại Jung Jae Sung và Lee Yong Dae của Hàn Quốc với tỷ số các séc 21–19 và 21–19 trong trận chung kết ở Kuala Lumpur, Malaysia. Vào tháng 12 họ thắng giải Hongkong Open sau khi vượt qua hai trong số những tay vợt xuất sắc nhất lúc bấy giờ của Indonesia là Candra Wijaya và Tony Gunawan sau 3 séc lần lượt là 21–12, 18–21, 21–13 trong trận chung kết. . Sau năm 2007 vô cùng thành công, Hendra và Markis đã giúp cho tuyển cầu lông Indonesia vô cùng tự tin để bước vào Olympic Bắc Kinh 2008.
Tháng 1 năm 2008 Hendra và Markis vô địch giải Malaysia Open. Tiếp đó vào tháng 8 năm 2008 họ được giành giải thưởng danh giá nhất trong sự nghiệp của mình tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đó là tấm huy chương vàng Olympic sau khi đánh bại Cai Yun và Fu Haifeng của đội tuyển Trung Quốc tại trận chung kết nội dung đôi nam.
Với hào quang của các nhà đương kim vô địch Olympic, Hendra và Markis sau đó liên tục thống trị tại các giải China Master Super Series, Denmark Open Super Series và French Open Super Series, lập cú ăn 3 vô địch liên tiếp. Tuy nhiên sau đó Markis dính chấn thương ở mùa giải 2009 khiến cả hai bỏ lỡ khá nhiều trận đấu, dẫn đến việc đội tuyển Indonesia phải tạm gác lại sự kết hợp này và để Hendra lần đầu tiên được chuyển sang đội trẻ để đánh cặp cùng Mohammad Ahsan. Không chỉ vậy, do chấn thương của Markis Kido không kịp bình phục nên sau đó họ đã phải rút lui khỏi giải 2009 BWF World Championships tổ chức tại Hyderabad - Ấn Độ.
Trong năm 2010, số lần tham gia giải của đôi nam này giảm đáng kể và thành tích chung của họ cũng vì thế mà sụt giảm. Tuy nhiên, tại Asian Games tại Quảng Châu năm đó Hendra và Markis vẫn có thể dựa vào kinh nghiệm thi đấu dày dặn của mình để giành huy chương vàng nội dung đôi nam, cho thấy sự ổn định về mặt kỹ thuật và tâm lý trong thi đấu.
Vào năm 2011, phong độ của Hendra Setiawan và Markis Kido rơi vào tình trạng sa sút, ngoài việc phải sớm rời các giải đấu quốc tế, họ đã không giành được chức vô địch nào và lần đầu tiên rơi khỏi top 10 thế giới vào cuối năm.
Năm 2012 dù đã vô địch giải Yonex Australian Badminton Open và từng chen chân vào top 8 của bảng xếp hạng thế giới nhưng họ đã phải rút khỏi giải Asia Championships và India Super Series vào phút chót. Bên cạnh đó Hendra và Markis cũng không có được thành tích tốt tại Olympic London 2012 dù tham gia với tư cách là nhà đương kim vô địch.
Năm 2013 với việc người đồng đội Marquis Kido không thể lấy lại phong độ đỉnh cao như xưa, cả hai đã chia tay sau 10 năm hợp tác. Hendra Setiawan sau đó đã kết hợp với Mohammad Ahsan để tiếp tục thi đấu tại đấu trường quốc tế. Trong giải Malaysia Super Championship 2013, Hendra và Ahsan đã đánh bại Lee Yong Dae và Ko Sung Hyun sau 2 séc với tỷ số 21-15, 21-13 để giành chức vô địch đầu tiên sau khi đánh cặp với nhau. Chưa dừng lại ở đó, sự kết hợp này còn lập kỷ lục 22 trận thắng liên tiếp bắt đầu từ giải Indonesia Open Super Series Premier, liên tiếp thống trị các giải Indonesia Open Super Series Premier, Singapore Open Super Series, Japan Open Super Series và đặc biệt là vô địch giải World Championships mà không thua một séc đấu nào. Việc vô địch World Championships một cách dễ dàng đủ cho thấy Hendra và Ahsan có một sự kết hợp gần như hoàn hảo.
Năm 2014 trong Á vận hội Incheon - Hàn Quốc, đội tuyển cầu lông Indonesia đã gặp bất lợi lớn khi mới có 1 trận thắng và để thua 5 trận. Tuy nhiên, với tâm lý ổn định vàn bản lĩnh của hai tay vợt vào những thời điểm quyết định của trận đấu, Hendra và Ashan cuối cùng đã bảo vệ thành công tấm huy chương vàng đôi nam Á vận hội, đồng thời vươn lên dẫn đầu trước các đối thủ trong hai kỳ Á vận hội liên tiếp.
Trong suốt thời gian Hendra Setiawan đánh cặp cùng với Mohammad Ahsan, Lee Yong Dae và Yoo Yeon Seong luôn là kỳ phùng địch thủ của họ, cả bốn tay vợt đã chơi những trận đấu tuyệt vời ở các giải World Championships, Asian Games hay Thomas Cup. Điều đó đã khiến họ đã trở thành tâm điểm khi các giải đấu này được tổ chức, khán giả thường xuyên có mặt chật kín để xem hai cặp vận động viên này thi đấu.
Năm 2015, Hendra và Ahsan giành lại danh hiệu vô địch World Championships ngay trên sân nhà sau hai năm. Tưởng chừng điều đó sẽ làm bàn đạp cho Olympic Rio 2016, tuy nhiên cả hai đã thất thủ khi để thua liên tiếp ở vòng bảng Olympic Rio 2016 trước các cặp đôi Kenichi Hayakawa/Hiroyuki Endo , Chai Biao/Hong Wei, xếp thứ ba tại vòng bảng với 1 trận thắng và 2 trận thua và dừng lại tại vòng bảng. Thất bại và phải ra về sớm khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, vốn dĩ họ được kỳ vọng sẽ giành huy chương vàng đôi nam cho đội Indonesia nhưng lại không thể vượt qua vòng bảng. Nó như một gáo nước lạnh với đội tuyển cầu lông Indonesia và cá nhân Hendra Setiawan không thể giành được một tấm huy chương để bù đắp cho sự tiếc nuối từ Thế vận hội London 4 năm trước.
Năm 2017, Hendra quyết định rút lui khỏi đội tuyển cầu lông quốc gia Indonesia nhằm tìm kiếm một sự bứt phá. Anh quyết định kết hợp với ngôi sao đôi nam người Malaysia - Tan Boon Heong tạo ra một cặp đôi mới. Tuy nhiên, Hendra Setiawan và Tan Boon Heong dù có năng lực cá nhân vượt trội nhưng vẫn không có thành tích nào đáng kể. Kết quả tốt nhất của hai sau một năm hợp tác chỉ là vào đến chung kết Australian Open.
Một năm sau, Hendra Setiawan quyết định quay trở lại đội tuyển cầu lông quốc gia Indonesia và một lần nữa kết hợp với Mohammad Ahsan trở thành cặp đôi ăn ý. Hai “lão đại” đã có một mùa giải mùa giải 2019 vô cùng tuyệt vời với 11 lần vào chung kết. Trong đó phải kể đến chức vô địch World Championships, World Tour Finals hay All England Open và các trận chung kết cuối năm. dường như phong độ đỉnh cao đang trở lại với Hendra Setiawan và Mohammad Ahsan.
Năm nay Hendra 36 tuổi còn Ahsan 33 tuổi, hiện đang là cặp đôi xếp thứ hai thế giới và gần như chắc suất tham dự Thế vận hội Tokyo. Kể từ khi cả hai rơi vào giai đoạn sa sút phong độ cách đây 4 năm, không ai có thể nghĩ rằng họ sẽ vươn lên trở lại, dù có đã trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm nhưng họ đã luôn cùng nhau trải qua. Việc chơi cầu khiến họ bình tĩnh hơn, dạn dày kinh nghiệm và cũng bản lĩnh hơn để có thể dốc hết sức chiến đấu cho mục tiêu chinh phục vinh quang cuối cùng trước khi giã từ sự nghiệp.
Mặc dù không có gì đảm bảo rằng anh sẽ trở lại đầy vinh quang ở Olympic Tokyo 2020, nhưng Hendra Setiawan, người đã luôn đứng trong top đầu trong danh sách các tay vợt đôi nam trong hơn suốt một thập kỷ, đã cho chúng ta thấy được một điều theo cách riêng của anh ấy: “Không bao giờ là quá muộn để chinh phục một chức vô địch!”