Cầu lông vừa là biểu tượng, vừa là niềm tự hào của thể thao châu Á

Việc Lee Chong Wei treo vợt vào tháng 6/2019 từng được đưa lên trang nhất các tờ báo Malaysia và châu Á. Điều đó nói lên tầm quan trọng của môn cầu lông ở nơi này.

21/07/2020 - 09:47 - Mỹ Hạnh

Lee Chong Wei - chủ nhân của 3 tấm HCB Olympic - từ lâu đã là ngôi sao thể thao lớn nhất Malaysia. Và nếu chọn ra môn thể thao mà thế giới phải “nể sợ” châu Á thì đó là cầu lông.

Gần đây, Lin Dan - người cũng được coi là tượng đài của cầu lông Châu Á cũng tuyên bố giải nghệ. Việc này đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo đài châu Á. Những trang thể thao đưa tin về việc anh giải nghệ, những việc anh làm sau khi giải nghệ luôn ở trên trang nhất của những tờ báo chính thống.

Những người châu Á nhỏ bé lại là gã khổng lồ cầm vợt cầu lông. Trên BXH hiện tại của Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF), tay vợt nam số một thế giới là Kento Momota (Nhật Bản). Số hai là Chou Tien-chen (Đài Loan) và một người châu Âu đứng thứ ba là Anders Antonsen (Đan Mạch). Ở nội dung đơn nữ, Top 5 tay vợt của BWF đều là người châu Á. 

Kể từ khi cầu lông xuất hiện tại Thế vận hội Barcelona 1992 cho tới nay, chỉ có 6 huy chương trong số 44 huy chương tại các cuộc thi đơn nam và đơn nữ lọt vào tay các VĐV ngoài châu Á, còn lại những VĐV của châu lục này là người sở hữu số huy chương khổng lồ, cao hơn nhiều các huy chương của châu lục khác cộng lại.

Một minh chứng nữa cho sự thống trị của cầu lông Châu Á là tại giải vô địch cầu lông thế giới 2019 diễn ra trên đất Thụy Sỹ, có tới 19/20 huy chương thuộc về người châu Á. Việc châu Á thống trị nền cầu lông tại đấu trường quốc tế đã trở thành việc "không có gì phải bàn cãi".

Nói một cách khách quan, cầu lông thực sự rất phù hợp với tầm vóc và thể trạng của người châu Á, không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh như quần vợt - bộ môn cũng dùng vợt.

Thế nhưng, xét về nguồn gốc, cầu lông có vết tích từ giữa thế kỷ 18 do các sĩ quan Anh đóng ở Ấn Độ sáng tạo ra. Khởi nguồn của cầu lông có vết tích từ giữa thế kỷ 18 tại British India (vùng thuộc địa cũ của Anh bao gồm Ấn Độ và Myanma), do một sĩ quan quân đội Anh đóng ở Ấn Độ sáng tạo. Trở nên rất phổ biến tại đơn vị đồn trú của quân Anh ở thị trấn Poona (nay là Pune), trò chơi còn biết đến với tên Poona.

Điều đó không đồng nghĩa với việc những VĐV Anh là người thống lĩnh huy chương, phải hơn một thế kỷ sau người Anh mới có huy chương đầu tiên tại Thế vận hội. Mặc dù vậy, huy chương mà quốc gia này có là huy chương đồng với sự xác lập của đôi nam nữ Simon Archer và Jo Goode tại Sidney 2000.

Chính tại quê hương của môn cầu lông, người dân ngày càng thờ ơ với môn thể thao này. Thống kê cho thấy trong năm 2019, chỉ có 431.600 người Anh từ 16 tuổi trở lên chơi cầu lông hàng tuần, giảm 16% so với thập kỷ trước (516.700). Chính phủ Anh cũng cắt giảm tài trợ cho các VĐV đỉnh cao từ 7,4 triệu bảng năm 2013 xuống còn 5,9 triệu bảng tại năm 2017. 

Kể từ đó đến nay, Trung Quốc là cường quốc cầu lông số một thế giới với sự đứng đầu bảng xếp hạng nhiều năm liền. Vận động viên này giải nghệ thì thế hệ trẻ khác lại lên ngôi. Tại Olympic Tokyo 2021 diễn ra vào năm sau, ngoài Trung Quốc thì Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc và Ấn Độ đều có khả năng giành huy chương với những VĐV như Kento Momota, Chen Long, Shi Yuqi, Chen Yufei, Anthony Ginting, Lee Zii Jia, An Se - Young, Sindhu.

Những cái tên thật là quen thuộc phải không? Và Lee Chong Wei nhiều năm liền cũng là biểu tượng của thể thao châu Á. Thậm chí đến khi bây giờ anh đã giải nghệ thì tên anh vẫn như một tượng đài trong lòng những fan hâm mộ.

Để nói về việc tại sao bộ môn này lại kém phát triển tại châu Âu. Đơn giản là vì nó không phải môn thể thao được ưa chuộng tại phương Tây, chủ yếu chỉ là trò tiêu khiển trên bãi biển hoặc trong vườn nhà. Để lựa chọn chơi quần vợt hay cầu lông thì đa số người châu Âu sẽ lựa chọn quần vợt thay vì cầu lông.

Ngược lại tại châu Á cầu lông là môn thể thao vô cùng phổ biến. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Liên đoàn cầu lông Malaysia (BAM) vào năm 2018, cứ 8 người dân nước này thì có 1 người chơi cầu lông, cao hơn cả bóng đá (cứ 20 người thì mới có 1 người lựa chọn chơi bóng đá). “Đây là môn thể thao được ưa thích nhất tại Malaysia bởi nó dễ tập, dễ chơi cho mọi đối tượng”, Michelle Chai, cựu GĐĐH của BAM nhận xét.

Cầu lông được đánh giá là môn thể thao khá bình dân, không gây ra sự tốn kém. Chỉ cần hai chiếc vợt, một quả cầu lông, thậm chí không cần lưới, bạn cũng có thể đánh cầu lông mọi lúc mọi nơi. Không chỉ ở Malaysia mà tại Việt Nam, Trung Quốc hay Indonesia, cầu lông cũng xuất hiện trong các khu dân cư, trên vỉa hè, ngoài công viên. Hiếm có môn thể thao nào hấp dẫn từ người già tới người trẻ, từ nam đến nữ và có độ phủ lớn bằng cầu lông tại các quốc gia châu Á. Thử xem các công viên ở Việt Nam vào mỗi buổi sáng hay mỗi buổi chiều tối thì khu vực chơi cầu lông không bao giờ thiếu bóng người.

Ở những đấu trường đỉnh cao, cầu lông thậm chí còn được xem như một môn thể thao có thu nhập cao, đem về cho VĐV chuyên nghiệp thu nhập khủng. Năm 2018, tay vợt P.V.Sindhu (Ấn Độ) trở thành nữ vận động viên cầu lông có thu nhập cao nhất thế giới với 5,5 triệu USD.

Cầu lông vì thế càng trở thành môn thể thao hấp dẫn với thanh thiếu niên. Trung Quốc, quốc gia sở hữu kỷ lục 41 huy chương cầu lông tại các kỳ Thế vận hội, hiện có hơn 100 triệu người chơi cầu lông thường xuyên. Indonesia và Hàn Quốc cũng là những cường quốc cầu lông trong khi Ấn Độ đang nổi lên như một thế lực mới. Tại quốc gia đông dân thứ nhì thế giới, cầu lông hiện là môn thể thao phổ biến thứ hai sau cricket (bóng gậy - một bộ môn tương tự với bóng chày).

Trái ngược với châu Á, người châu Âu ngày càng bớt quan tâm tới cầu lông. Ngay tại Đan Mạch, nền cầu lông mạnh nhất châu lục, lượng người chơi cầu lông đã giảm đi một nửa trong ba thập kỷ qua, tương đương 100.000 người.

Theo Mortens Frost, cựu tay vợt từng đoạt huy chương vàng Olympic, hiện trạng này bắt nguồn từ việc tiền tài trợ và tiền thưởng sụt giảm. Điều trái ngược hoàn toàn với châu Á. “Những VĐV trẻ ở châu Âu không nhìn thấy tương lai trong môn cầu lông. Họ vẫn cần một công việc kiếm sống bên ngoài để theo đuổi đam mê đánh cầu. Trong khi ở châu Á, cầu lông đem lại thu nhập tốt giúp các VĐV không phải trăn trở với nghề”, Frost cho biết.

Đông người chơi, nhiều cơ hội, nhiều giải đấu, thu nhập lên và ngày càng chuyên nghiệp. Đó là bộ mặt giàu sức sống của cầu lông châu Á. Theo thống kê vào năm 2012, các VĐV Trung Quốc đạt được 10.000 giờ thi đấu và luyện tập ngay ở tuổi 19 trong khi các CĐV phải tới tuổi 23 mới đạt ngưỡng đó. Điều này giải thích tại sao cầu lông châu Á vẫn là quyền lực số một trên thế giới. Và những ngôi sao như Lee Chong Wei được tạo ra. Năm 2018, bộ phim tài liệu về huyền thoại cầu lông 37 tuổi đã dẫn đầu suốt 6 tuần lễ trong Top 10 bộ phim của Malaysia và được trình chiếu tại 8000 rạp ở Trung Quốc.

Cầu lông xuất hiện tại tại Paralympic

Thế vận hội dành cho người khuyết tật lần đầu tiên đưa môn cầu lông vào thi đấu tại Paralympic 2020 (diễn ra ở Tokyo từ 24/8 tới 05/09/2021). Có tổng cộng 14 bộ huy chương trong đó 7 dành cho nam, 6 dành cho nữ và 1 đôi nam nữ kết hợp. Các nội dung thi đấu được chia theo 6 hạng khuyết tật từ nhẹ tới nặng. Ngoài cầu lông còn có Taekwondo lần đầu tiên xuất hiện tại Paralympic. Hai môn mới này là sự thay thế cho hai môn chèo thuyền và bóng đá 7 người không còn được tranh tài tại thế vận hội của người khuyết tật.

Học bổng cầu lông châu Á

“Asian Olympic Project” (AOP) là chương trình đào tạo chuyên biệt của Liên đoàn cầu lông châu Á (BAC). AOP cung cấp 20 học bổng cho các tay vợt giàu tiềm năng đến từ các nền cầu lông đang phát triển tại châu Á nhằm tạo ra một lứa vận động viên đủ trình độ tranh tài tại Olympic 2024. Việc trao học bổng dựa trên quá trình chọn lọc khắt khe theo nhiều tiêu chí như vị trí xếp hạng thế giới, thành tích tại các giải đấu… Những tay vợt được nhận học bổng sẽ trải qua khóa đào tạo cấp cao và được tranh tài ở các giải đấu khu vực.

Đó là ví do vì sao Châu Âu với nền thể thao rất phát triển, lại không thể tạo ra các tay vợt cạnh tranh sòng phẳng với người châu Á?

Các giải đấu lớn chứng kiến sự thống trị của người châu Á. Trong lịch sử 43 năm của giải cầu lông vô địch thế giới, Trung Quốc với tổng số 187 huy chương là quốc gia thành công nhất. Indonesia (77) đứng thứ hai và Đan Mạch (62) xếp thứ ba. Trong Top 5 quốc gia giàu thành tích nhất tại BWF World Championships chỉ có duy nhất một nước châu  u là Đan Mạch. Còn tại giải cầu lông đồng đội Thomas Cup có lịch sử 71 năm, Indonesia giữ kỷ lục 13 lần vô địch tiếp theo là Trung Quốc (10) và Malaysia (5). Đan Mạch là nước châu  u duy nhất từng một lần đăng quang vào năm 2016.

Cầu lông châu  Âu chỉ có một vệt sáng không đáng kể trong bức tranh tổng thể. Trong giới cầu lông, các chuyên gia đóng khung quan điểm “các tay vợt châu Âu có kỹ năng thua kém so với tay vợt châu Á”. Để giải thích điều này cần một cái nhìn tổng thể từ cả góc độ thể thao lẫn văn hóa đại chúng. Nhìn từ thể thao chuyên nghiệp, cầu lông là bộ môn tốn kém cho các VĐV châu Âu (và cả châu Mỹ) với giày, vợt, cầu, lưới, sân thi đấu tốn chi phí không nhỏ. Càng thi đấu ở cấp độ cao, chi phí càng tăng. Nặng nhất là tiền thuê sân tập, đơn cử như tại Canada phải mất 600 USD cho 8 buổi tập (2-3 giờ mỗi buổi). Vì thế, các tay vợt chuyên nghiệp chỉ có thể tập một tuần trong hai tháng. Ngược lại ở châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, chi phí tập cầu lông rất rẻ. Mọi VĐV đều có thể tập ít nhất 2 buổi một tuần.

Sự khác biệt đó trước hết đến từ mô hình tập luyện. Ở châu Âu chỉ có các nhà thi đấu cầu lông (số lượng ít) mà thiếu hẳn khu tổ hợp thể thao (nhiều môn) vốn rất thịnh hành ở châu Á. Do đó việc thuê sân tập với VĐV châu Âu là không dễ dàng và tốn kém. Trong khi ở các quốc gia châu Á, sân cầu lông có trong hầu hết nhà thi đấu cấp phường, quận. Sự phổ biến của môn thể thao này tại châu Á là khác biệt lớn nhất so với châu Âu. Ở Trung Quốc, Indonesia thậm chí coi cầu lông là môn “thể thao quốc dân”, còn tại Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam việc tập luyện cầu lông trở thành thói quen của đại đa số người dân. Việc tập luyện từ phong trào lên chuyên nghiệp của một VĐV được hỗ trợ tối đa bởi mạng lưới đào tạo rộng khắp và sự quan tâm tài trợ từ chính phủ.

Ngược lại, cầu lông ở châu Âu không phải môn thể thao phổ biến. Nếu chọn chơi một môn cầm vợt, đa số người châu Âu sẽ tìm đến tennis. Do cầu lông phong trào kém phát triển nên việc sàng lọc các VĐV đỉnh cao ngày càng gặp khó khăn. Thu nhập từ thi đấu cầu lông chuyên nghiệp không cao do nguồn tài trợ thấp khiến các tay vợt châu Âu đều phải có một nghề kiếm sống. Đó là thách thức lớn ngăn cản họ theo đuổi cầu lông. Trong khi ở châu Á, các tay vợt đỉnh cao sống rất tốt với thu nhập đánh cầu lông bởi nguồn tài trợ dồi dào, thậm chí là các hợp đồng quảng cáo không thua kém các ngôi sao bóng đá. Đơn giản bởi cầu lông là một môn thể thao đại chúng được đông đảo người châu Á quan tâm.

Rexy Mainaky, huyền thoại cầu lông người Indonesia từng có 5 năm làm HLV ĐT cầu lông Vương quốc Anh. Mainaky khẳng định: “Văn hóa tự do của người châu Âu khiến họ không thể tập trung tối đa và có kỷ luật thép trong một môn thể thao khắc nghiệt đòi hỏi sự tỉ mỉ như cầu lông”. Mainaky cũng cho rằng nguồn cung VĐV đỉnh cao ngày càng bị thu hẹp khiến cầu lông châu  u khó cạnh tranh với người châu Á. 

Trong lịch sử môn cầu lông tại Thế vận hội, châu Âu mới giành được 14 huy chương trong tổng số 106 huy chương các loại. Tính ra, người châu  u chỉ chiếm 13% số huy chương môn cầu lông tại các kỳ Olympic. Các VĐV châu Á chiếm tới 87% lượng huy chương (92/106 huy chương). Quốc gia châu Âu có thành tích cao nhất là Đan Mạch với 8 huy chương nhưng vẫn đứng sau Trung Quốc (41), Indonesia (19), Hàn Quốc (19) và Malaysia (8).